Tôi mồ côi cha năm lên 7 tuổi. Năm đó, mẹ tôi mới ngoài 30 nên bà vẫn trẻ, đẹp hơn nhiều phụ nữ cùng làng. Là gái một con, mẹ tôi được cánh đàn ông săn đón, chiều chuộng. Thế nhưng, bà quyết ở vậy nuôi tôi khôn lớn.
Mẹ tôi không chỉ đẹp mà còn nổi tiếng giỏi giang, biết làm ăn. Dù chỉ có một mình, mẹ vẫn cho tôi cuộc sống đầy đủ, không thua kém chúng bạn.
Tuổi thơ, ngoài việc thiếu tình yêu thương của cha, tôi không phải lo nghĩ điều gì. Khi trưởng thành, tôi cũng có sẵn cơ ngơi, công việc mà mẹ đã tạo dựng từ trước.
Lúc còn trẻ dại, tôi ít chú ý đến nỗi buồn của mẹ. Mãi đến khi vào đại học, sống xa nhà, tôi mới phần nào thấu hiểu được nỗi cô đơn của mẹ.
Tôi vẫn thường giục mẹ lấy chồng để có người bầu bạn lúc buồn, chăm sóc lúc ốm đau. Nhưng mỗi khi tôi ra lời, mẹ lại cười, bảo: “Chừng nào cô lớn, chồng con yên ấm, tôi sẽ đi lấy chồng cho cô đỡ vướng mắt”.
Tôi đau khổ khi biết nguyên nhân chồng quyết ngăn cản mẹ vợ có người yêu, kết hôn ở tuổi xế chiều. Ảnh minh họa: P.X
Câu nói nửa đùa nửa thật ấy của mẹ khắc ghi mãi trong tâm trí tôi suốt thời đại học. Rồi tôi ra trường, có người yêu. Tôi chủ động yêu nhanh, cưới vội để mẹ có thời gian tìm hạnh phúc cho mình.
Sau khi kết hôn, tôi đề nghị chồng về nhà mẹ tôi ở rể. Chồng tôi khi ấy không phản đối. Anh tỏ ra thông cảm, ủng hộ việc tôi muốn gần gũi, chăm sóc mẹ vợ.
Tôi lấy chồng một năm thì được mẹ giao hẳn công việc tại xưởng sản xuất của gia đình cho quản lý. Bà nghỉ hưu, loanh quanh ở nhà cơm nước, trồng hoa…
Lúc này, tôi lại giục mẹ lấy chồng. Cũng như trước đây, mẹ chỉ cười. Bà nói đã quen với cuộc sống tự do, không muốn ràng buộc với ai.
Nhưng tôi thấy mẹ mới ngoài 50 và còn trẻ, đẹp hơn nhiều bạn bè cùng tuổi. Tôi tự thấy mẹ cần được yêu thương, cần được hưởng hạnh phúc.
Tôi đăng ký cho mẹ tham gia các hoạt động vui chơi, du lịch dành cho người có tuổi với hy vọng bà gặp gỡ, tìm được người đàn ông đem lại niềm vui cho mình.
Cuối cùng, cách làm của tôi cũng có hiệu quả. Sau ít tháng tham gia câu lạc bộ thơ, mẹ khoe gặp gỡ và có cảm tình với người đàn ông có đôi mắt, nụ cười giống bố tôi lúc trước.
Do có chung nhiều sở thích, quen biết ít lâu, ông bà định đến với nhau để có người bầu bạn, chăm sóc lúc tuổi già.
Biết tin, tôi vui lắm. Tôi tin mẹ sẽ có được hạnh phúc. Bà sẽ được bù đắp những tháng ngày cô đơn, hy sinh tuổi trẻ để chăm lo cho tôi.
Tôi đem niềm vui ấy kể với chồng. Thật bất ngờ, anh tỏ ra không vui. Biết tôi tìm cách tạo điều kiện cho mẹ tìm bạn đời, anh nổi giận. Anh cho biết bản thân không đồng tình việc mẹ vợ có người yêu, định đi bước nữa.
Tôi hỏi lý do, anh nói rằng làm như vậy sẽ khiến mẹ bị người đời chê cười, ảnh hưởng đến hình ảnh của anh và gia đình. Rồi anh bỏ ngoài tai những lời tôi giải thích, quyết ngăn cản việc mẹ đến với người bà yêu mến.
Anh liên tục bóng gió với mẹ về việc có thể bà bị lừa, bị người khác chê cười già rồi còn ham hố. Anh cũng nói không muốn mẹ có tuổi rồi vẫn đi làm dâu, hầu hạ người khác...
Sự việc khiến tôi bức xúc. Không cùng quan điểm, vợ chồng tôi cãi nhau kịch liệt. Cuối cùng, anh thú nhận rằng, anh lo sợ sẽ mất tài sản vào tay người đàn ông khác. Bởi, lúc này mẹ tôi vẫn chưa cho vợ chồng tôi thừa kế tài sản.
Nếu đi thêm bước nữa, rất có thể mẹ tôi sẽ chia đôi khối tài sản của mình. Đó là điều mà chồng tôi không mong đợi.
Anh thể hiện rõ cho tôi thấy rằng, bao năm qua, anh cố gắng ở rể, chăm sóc mẹ vợ là để chờ ngày được bà cho thừa kế toàn bộ gia tài. Từ lâu, anh đã xem tài sản của mẹ tôi là của mình.
Nay kế hoạch ấy đứng trước nguy cơ đổ bể vì sự xuất hiện của người đàn ông khác. Thế nên anh tức giận, cảm thấy không cam tâm và quyết ngăn cản cho bằng được.
Nghe những câu nói của anh, tôi vừa xấu hổ vừa bẽ bàng. Tôi không ngờ mình lại cưới một người đàn ông ích kỷ, tham lam đến vậy.
Bây giờ, tôi không còn niềm tin ở anh nữa. Bỗng nhiên tôi thấy sợ. Tôi sợ với sự ích kỷ, tham lam của mình, anh có thể làm ra những việc có hại cho tôi và những người xung quanh.
Tuy vậy, tôi cũng không dám nói với mẹ sự thật. Tôi không muốn bà đau lòng vì mình. Mẹ đã hy sinh cho tôi quá nhiều, tôi không muốn bà hy sinh thêm lần nào nữa.
Tôi phải làm sao đây?
Theo K.T/VietNamNetSự kiện: TIN TỨC ĐỜI SỐNG