Một ngôi làng nhỏ, cách thành phố Lào Cai khoảng 75km về phía đông nam, thuộc huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, từ hôm kia đến giờ là tâm điểm chú ý và ngóng về của người dân cả nước.
Là Làng Nủ, có 37 hộ với 158 khẩu (số liệu này hiện nay vẫn còn vênh giữa một số tờ báo). Trong đó: Người trên 70 tuổi là 3 người; trẻ dưới 6 tuổi là 18, trẻ dưới 14 tuổi là 14 người.
Một cú lũ quét, chỉ còn 64 người sống sót, ngôi làng hầu như bị san bằng. Không phải là san bằng bình thường, mà bị trùm lấp, và cả đẩy đi xa tới hàng cây số.
Mà khi bị quét đi và trùm lấp như thế, không phải đã được phát hiện ra ngay. Và từ khi phát hiện ra tới lúc thông tin được truyền đi cũng phải một thời gian nữa.
6 giờ sáng ngày 10/9 lũ ống ập xuống, 14 giờ huyện mới tiếp cận được hiện trường, và hôm sau thì lực lượng cứu nạn cứu hộ chuyện nghiệp của quân đội mới tiếp cận được, xem clip thấy có đoạn bộ đội phải chạy bộ, tới mấy cây số, để kịp tới nơi cứu đồng bào.
Báo chí và mạng xã hội vẫn đang chuyền nhau bức thư tay viết trên giấy học trò thay báo cáo của bí thư huyện ủy Bảo Yên với bí thư và chủ tịch Lào Cai.
Giữa lúc nước sôi lửa bỏng ấy, cứu nạn phải tính từng phút ấy, nhưng bức thư tay phải vượt rừng tới chỗ có sóng rồi mới truyền tiếp. Hết sức bi thương, hết sức ngặt nghèo và cũng hết sức xúc động.
Trong vụ "hậu" Yagi vừa qua, có tới mấy vụ sạt lở đất làm vùi lấp nhiều người, nhiều người vẫn còn đang mất tích, nhưng vụ Làng Nủ là khủng khiếp nhất.
Nếu không có Làng Nủ thì vụ cả nhà cô giáo 4 người bị vùi và đều tử vong, vụ nhà điều hành thủy điện bị vùi lấp có 5 người mất tích, có cả giám đốc, và vụ sạt lở thứ 2 xảy ra ở làng Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, Lào Cai làm vùi lấp 8 ngôi nhà với 27 người, làm 7 người chết, 11 người mất tích vân vân mà không kinh hoàng à.
Vụ Làng Nủ nó vượt lên trên sự khủng khiếp, sự kinh hoàng. Nó sẽ ám ảnh chúng ta rất lâu.
Làng Nủ tan hoang sau trận lũ quét kinh hoàng. Ảnh: Báo Lào Cai
Chỉ vài phút, một ngôi làng ngồn ngộn sức sống, một ngôi làng yên bình, ngôi làng như mọi ngôi làng khác trên nước ta, với những con người đang hoạt động, với biết bao hoài bão khát vọng, có người vừa thức dậy, có người đang yêu nhau, có người đang cười, người đang hát... trở thành một dải bùn phẳng lỳ, im lìm đến ghê rợn.
Cái đôi mắt thất thần đến không còn nước mắt, đến vô hồn của anh Hoàng Văn Thới mất mẹ, vợ và 3 đứa con còn nhỏ cứ ám ảnh tôi từ hôm ấy đến giờ. Ánh mắt như lạc thần, như không còn đau khổ nổi nữa của anh bên mấy cái quan tài người thân khiến chúng ta đau nhói, khiến tôi nghĩ, nếu có giời thật, chắc ngài cũng phải xem lại cách hành xử của mình với con người.
Cái cảnh những chiếc quan tài được chuyển về, không giống nhau, không đều nhau vì gom ở nhiều nơi và để dành cho nhiều lứa tuổi khiến chúng ta đau quặn...
Nhưng có lẽ, không phải con người không có lỗi.
Nhưng, lại vẫn nhưng, đang bấn bíu thế, hãy tập trung cứu bà con hoạn nạn đã, rồi sẽ có những cuộc họp mổ xẻ, rút kinh nghiệm.
Sau lũ lụt sẽ là dịch bệnh.
Và những khó khăn đói khát, thiếu ăn thiếu mặc thiếu cả chỗ ở đang diễn ra chỉ là tức thời, chúng ta vẫn phải lo dài hơi, cho những ngày mai.
Là chỗ ở cố định cho những người mất nhà cửa. An cư mới lạc đạo. Rồi đời sống những năm tiếp theo, bởi chắc chắn, cây như thế, con như thế, bà con sẽ vừa thiếu lương thực thực phẩm vừa thiếu tiền chi tiêu.
Sẽ hàng loạt những vấn đề hậu bão lũ xảy ra nên những sự cứu trợ, ủng hộ sẽ phải tính toán để bà con sống lâu dài.
Rồi học sinh đi học.
Là sáng nay, một người bạn "đầy kinh nghiệm" bão lụt ngồi tính chi li với tôi và mấy người bạn như thế. Nó cũng như, cuộc này chúng ta đầu tiên là lo lắng dè chừng bão Yagi, té ra nó cũng kinh rồi, nhưng cái cuộc hậu Yagi ấy mới kinh thật sự. Lại nhớ ngay sau hôm bão tan, một người bạn ở Hà Nội nhắn tin cho tôi: Nhờ dự báo chính xác và sớm, nên bão không gây thiệt hại nhiều lắm về người và tài sản. Tôi nhắn lại, với tư cách người ở vùng thường xuyên bão lũ lụt, tôi thấy vụ hoàn lưu bão mới kinh, sức tàn phá của nó mới mạnh. Nó bởi, một là chúng ta chủ quan tưởng là qua rồi nên bị nó đánh úp, và bởi nữa là, thường nó mạnh thật sự.
Thì quả đúng như thế.
Cũng như, các chuyên gia của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ TN-MT cho biết, việc cảnh báo sớm về nguy cơ trượt lở đất đá ở nước ta là khả thi, và thực tế thì 25 tỉnh, thành trên cả nước đã được lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá ở tỷ lệ 1:50.000 gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên...
Những thiệt hại ở Làng Nủ và vùng vừa qua bão lụt của cơn bão số 3 vẫn đang được thống kê, chúng ta tiếp tục hướng về phía ấy với tất cả sự thương yêu nhất, với tinh thần lá lành đùm lá rách, tinh thần một miếng khi đói bằng một gói khi no...