Dự án Cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lộ- Vạn Ninh có chiều dài 65,5km, trong đó đoạn qua địa bàn huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, có tổng chiều dài gần 32km.
Về công tác đền bù, GPMB, huyện Lệ Thủy đã ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 882 hộ trong tổng số 908 hộ, với chiều dài gần 31km trong tổng số gần 32km, đạt 96,7%; đã bàn giao cho Ban Quản lý DA đường Hồ Chí Minh gần 28,7km mặt bằng, đạt tỷ lệ 89,81%.
Cho đến nay, huyện này còn 94 hộ gia đình, cá nhân với chiều dài 3,257km chưa giải quyết xong thủ tục bồi thường, GPMB.
Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông - Vận tải) là đơn vị chủ đầu tư Dự án thành phần cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ. Ông Chu Văn Long - Phó Trưởng phòng Quản lý dự án 4, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, về phía Bộ GTVT phối hợp thì công tác GPMB tại huyện Lệ Thủy còn gặp không ít những vướng mắc.
Về phạm vi Dự án đi qua huyện Lệ Thủy với chiều dài tương đương cả tỉnh Quảng Trị thực hiện. Như vậy, khối lượng công việc rất lớn.
Các công nhân tiến hành rải thảm nhựa cao tốc Bắc-Nam đoạn qua xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy.
Dự án đi qua chủ yếu ở khu vực rừng núi nên việc xác nhận chủ đất, tình trạng đất gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp người dân không ủng hộ, chống đối… Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật cho đến nay mới đạt được 40%.
Hơn nữa, trong quá trình triển khai, huyện Lệ Thủy có điều chỉnh quy mô các khu tái định cư là nguyên nhân làm kéo dài thời gian GPMB.
Theo ông Chu Văn Long - Phó Trưởng phòng Quản lý dự án 4, tiến độ Dự án của 12 Dự án Cao tốc đã được Chính phủ ấn định thời gian hoàn thành. Dự Án thành phần cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ là 30/6/2025. Như vậy, thời gian thực hiện Dự án chỉ còn khoảng 1 năm nữa. Trong khi đó điều kiện thời tiết ở Quảng Bình khoảng 4 tháng cuối năm mưa liên tục, gần như không làm được gì nữa. Như vậy thời gian còn lại chỉ khoảng 6 tháng để triển khai.
“Với tình trạng mặt bằng hiện tại còn khoảng gần 4km chưa được bàn giao, các diện tích thi công dự án chia cắt khoảng gần 30 đoạn khác nhau. Dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thi công dự án.
Nhà thầu không thể tổ chức thi công, cơ giới hóa được hiệu quả nhất, bởi thiết bị di chuyển phải đi vòng, thậm chí có những chỗ phải đi vòng cả chục cây số.
Việc điều phối vật liệu đất đắp từ vị trí đào sang vị trí đắp gặp khó khăn, có chỗ đào mà không có chỗ đắp thì đương nhiên cái mặt bằng đào rồi cũng không thể triển khai được.
Cái thứ ba là việc tiếp cận vật liệu vào trong công trình phải đi vòng nhiều đường và phải qua các khu dân cư, các đường hiện có để tiếp cận chứ không thể đi dọc tuyến được. Nó không chỉ làm chậm mà cũng một phần làm ảnh hưởng đến dân sinh của địa phương”, ông Chu Văn Long cho biết.
Cũng theo đại diện chủ đầu tư dự án, nếu trong tháng 5 này mà địa phương không bàn giao được 100% mặt bằng sạch thì Dự án không có cách nào hoàn thành được theo đúng tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ giao.
Giải quyết dứt điểm, bàn giao mặt bằng sạch vào ngày 30/5
Chiều 21/5, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Lệ Thủy về công tác bồi thường, GPMB dự án. Chủ tịch tỉnh Quảng Bình chỉ đạo đến ngày 30/5 phải hoàn thành bàn giao mặt bằng của dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng nhấn mạnh, thời gian qua, việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, trong đó có dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng cấp bách hàng đầu.
Để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dứt điểm bàn giao mặt bằng bảo đảm thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình nói chung trong đó có huyện Lệ Thủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo ban, ngành, địa phương cần bám sát cơ sở để chỉ đạo, quyết tâm đến ngày 30/5 về cơ bản bàn giao xong mặt bằng cho dự án.
Dự án thành phần Vạn Ninh-Cam Lộ.
Khẩn trương triển khai hoàn thành công tác tái định cư cho người dân, chi trả dứt điểm kinh phí cho người dân làm nhà; thực hiện phương án tạm cư trong thời gian người dân đang làm nhà ở, tạo điều kiện để người dân bàn giao mặt bằng cho dự án; đồng thời tiếp tục đẩy nhanh di dời hạ tầng kỹ thuật.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Lệ Thủy chỉ đạo dứt điểm việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ nhưng không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ còn kiến nghị, đề xuất.
Đối với các trường hợp đã thẩm định phương án bồi thường, cần phê duyệt dứt điểm trước ngày 25/5. Đối với các hộ có sai sót về thông tin loại đất, diện tích các loại tài sản bồi thường, hỗ trợ… cần khẩn trương rà soát để điều chỉnh xong trước ngày 26/5.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng chỉ đạo, trước ngày 25/5, huyện Lệ Thủy phải có biện pháp xử lý các trường hợp đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng không thu hoạch tài sản, không bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư ở thị trấn Nông trường Lệ Ninh, các xã Phú Thủy, Trường Thủy; chỉ đạo các nhà thầu kịp thời thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng các khu tái định cư.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu thành lập tổ công tác do đồng chí lãnh đạo sở, ngành liên quan làm tổ trưởng để hỗ trợ địa phương giải quyết các thủ tục liên quan về pháp lý, kỹ thuật thuộc thẩm quyền, bao gồm việc hướng dẫn thu hồi vật tư còn lại của công trình hạ tầng kỹ thuật; kiểm định chất lượng các công trình; về định giá đất, điều chỉnh trích đo; các ban quản lý Dự án, nhà thầu tiếp tục tăng cường phối hợp với địa phương để tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc…