Kết quả chụp cắt lớp vi tính thấy thận trái của bệnh nhân to giãn độ 4, đài bể thận, niệu quản giãn đến đoạn chít hẹp, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tái hẹp khúc nối bể thận niệu quản.
Các sĩ khoa Ngoại - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa thực hiện ca phẫu thuật nội soi phức tạp, tạo hình lại khúc nối bể thận – niệu quản bị tái hẹp cho một nam bệnh nhân trẻ từng mổ mở điều trị bệnh lý này cách đây 5 năm, với kết quả hồi phục tốt, xuất viện sau 1 tuần.
Bệnh nhân là H.T.P (26 tuổi, ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) bị hẹp khúc nối bể thận – niệu quản bẩm sinh, đã được mổ mở điều trị cách đây 5 năm. Gần đây, anh P. thấy đau quặn vùng thắt lưng, tức bụng nhi nên đi khám lại.
Hình ảnh chụp cắt lớp đoạn hẹp khúc nối bể thận niệu quản bệnh nhân.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính thấy thận trái to giãn độ 4, đài bể thận, niệu quản giãn đến đoạn chít hẹp, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tái hẹp khúc nối bể thận niệu quản trái và quyết định phẫu thuật tạo hình lại bằng hệ thống nội soi 3D.
Kíp phẫu thuật khoa Ngoại phối hợp với khoa Gây mê hồi sức thực hiện. Do bệnh nhân từng mổ mở đường sau phúc mạc, các tổ chức bị dính liền mất đi giải phẫu thông thường, nên kíp phẫu thuật thực hiện nội soi qua đường ổ bụng.
Dưới sự hỗ trợ của hệ thống nội soi 3D hiện đại, kíp mổ tiến hành hạ toàn bộ đại tràng, đuôi tụy, lách để bộc lộ đoạn niệu quản bị hẹp, thực hiện cắt bỏ đoạn hẹp và khâu tạo hình lại khúc nối bể thận niệu quản trái theo phương pháp Anderson - Hynes.
Ca phẫu thuật thực hiện thành công sau khoảng 2 tiếng. Sau mổ, bệnh nhân không còn bị đau tức phần bụng và thắt lưng, sức khỏe phục hồi tốt. Đến nay, bệnh nhân đã được xuất viện, dự kiến sonde JJ định hình đoạn hẹp sẽ được rút sau khoảng 12 tuần.
Bệnh nhân phấn khởi khi được xuất viện, hình ảnh sẹo mổ cũ và vết mổ nội soi do các bác sĩ thực hiện.
BSCKI Trần Trung Hội - Khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, trường hợp của bệnh nhân P. chẩn đoán bị tái hẹp khúc nối bể thận niệu quản sau mổ mở do phần niệu quản cũ xơ hẹp, làm tắc gần như hoàn toàn nòng niệu quản, gây ứ nước thận trái và giảm chức năng thận. Khó khăn ở trường hợp này là bệnh nhân từng mổ mở đường sau phúc mạc gây dính và mất đi các mốc giải phẫu quan trọng.
Do đó, khi mổ lại bằng nội soi, các bác sĩ buộc phải đi bằng đường ổ bụng, khi đó việc bộc lộ, bóc tách sẽ khó khăn hơn do phải khéo léo hạ toàn bộ đại tràng trái, lách và đuôi tụy để tạo phẫu trường đủ rộng thực hiện các thao tác khâu nối, trong khi đây là khu vực có nhiều dây thần kinh, mạch máu quan trọng, chỉ cần thao tác không chính xác sẽ gây chảy máu khó cầm, hậu quả khôn lường.
Với việc sử dụng hệ thống nội soi 3D tiên tiến, các bác sĩ thao tác và cảm nhận phẫu trường sống động như không gian thật nên giúp thực hiện các thao tác bóc tách, cắt nối, khâu tạo hình lại khúc nối bể thận niệu quả dễ dàng hơn, đảm bảo tối đa an toàn và hiệu quả cho phẫu thuật.
Nhờ vậy, bệnh nhân giảm đau đớn và thời gian phục hồi nhanh, nằm viện ngắn. Kíp mổ thực hiện tạo hình lại bể thận niệu quản bằng kỹ thuật Anderson - Hynes. Đây hiện là phương pháp tốt nhất với tỷ lệ thành công trên 90%, hạn chế tối đa nguy cơ tái phát trở lại.